Theo Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics 2021 – 2023, trong thời gian tới, vị trí nghề Công nghệ thông tin logistics sẽ lên ngôi khi nhu cầu gia tăng rất nhanh.
Tăng công nghệ, giảm nhân sự vận hành kho
Ngày 15/10, trong khuôn khổ Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) do Chính phủ Úc hỗ trợ, Hội đồng Tư vấn Kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn “Dự báo kỹ năng cho lao động ngành logistics Việt Nam”. Tại diễn đàn, LIRC đã công bố Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics 2021 – 2023.
Báo cáo đề cập đến 6 vấn đề chính về thực trạng của nguồn nhân lực logistics là: Các vị trí nhân sự logistics đang thiếu hụt; Tầm quan trọng và mức độ sở hữu các kiến thức – kỹ năng logistics; Các xu hướng xã hội, kinh doanh và công nghệ tác động nhu cầu nhân sự logistics; Nhu cầu tương lai đối với nhân sự logistics…
Theo kết quả khảo sát, hiện nguồn nhân lực logistics của Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng, cả về số lượng và kỹ năng. Cụ thể các vị trí đang thiếu hụt nhiều nhất là: kinh doanh logistics, công nghệ thông tin logistics và điều độ khai thác vận tải, kho hàng.
LIRC cũng đã khảo sát nhu cầu lao động logistics của 2 nhóm doanh nghiệp (DN) là DN logistics và DN sản xuất. Mỗi nhóm đưa ra 3 vị trí nghề sẽ tăng nhanh và 3 vị trí nghề sẽ giảm trong thời gian tới.
Kết quả, cả 2 nhóm DN trên đều có đánh giá chung là nhóm vị trí nghề công nghệ thông tin logistics sẽ tăng rất nhanh và vị trí nghề vận hành kho có xu hướng giảm.
Nhu cầu tăng, giảm của các vị trí nghề ngành logistics trong thời gian tới (Nguồn: Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics).
Theo ông Vũ Ninh, Chủ tịch LIRC, Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics cực kỳ mạnh mẽ, hàng loạt phần mềm giao nhận, điều phối hàng hóa đã trở nên phổ biến ở tất cả các vị trí làm việc trong ngành. Điều đó buộc người lao động ở vị trí nào cũng phải am hiểu nhất định về công nghệ.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, có nhiều kỹ năng mới ra đời sau ảnh hưởng của Covid-19. Trong ngành logistics, sự chuyển đổi số, sự phát triển của thương mại điện tử, giao hàng chặng giữa, giao hàng chặng cuối đã trở nên cực kỳ quan trọng.
Từ kết quả khảo sát này, báo cáo khuyến nghị các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần có những chương trình đào tạo và kế hoạch tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường lao động ngành logistics.
Góp phần phát triển chất lượng nguồn nhân lực
Phát biểu tại diễn đàn, tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, báo cáo đã cho biết những ngành, nghề còn thiếu nhiều nhân lực, những kỹ năng thiết yếu mà doanh nghiệp logistics cần.
TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh: “Đây là điều mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) rất mong muốn. Xác định được chính xác như vậy thì hệ thống GDNN sẽ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, những dự báo kỹ năng nghề sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ GDNN, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngành logistics cần nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao, am hiểu công nghệ để thích nghi với các thiết bị mới (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).
Ông Vũ Ninh, Chủ tịch LIRC chia sẻ tâm tư: “Các doanh nghiệp logistics Việt Nam dễ dàng trang bị những máy móc hiện đại ngang với thế giới. Nhưng chúng ta không thể nhập khẩu con người”
Theo ông Vũ Ninh, chúng ta cần phải đào tạo, có những người giỏi nghề, có năng suất cao, có mức thu nhập tốt. Muốn vậy cần dự báo kỹ năng, cần đặt hàng cho các trường, cần có lộ trình và cách làm bài bản.
Ông Khê Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM cũng đánh giá việc thực hiện báo cáo kỹ năng nghề giúp ích rất nhiều cho công tác đào tạo nghề.
Nhờ tiếp cận sớm báo cáo, Cao đẳng Kinh tế TPHCM có điều kiện cập nhật lại chương trình đào tạo chuyên sâu cho ngành này phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Thông qua quá trình xây dựng báo cáo, nhà trường có thể kết nối với doanh nghiệp để đưa sinh viên đến doanh nghiệp kiến tập, tiếp cận những thiết bị hiện đại nhất, học hỏi những kỹ năng mới nhất.
Giảng viên của trường cũng có cơ hội trao đổi cùng những chuyên gia đang làm việc trong ngành, có nhiều kiến thức thực tế hơn về logistics để hoàn thiện kỹ năng giảng dạy của mình.
Tùng Nguyên