Logistics Việt Nam hiện nay đang có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng từ 13% – 15%/năm, quy mô thị trường từ 40 – 42 tỷ USD/năm, trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển KT-XH. Bối cảnh hiện nay cùng những diễn biến phức tạp trên thị trường toàn cầu, ngành logistics đang đối mặt với yêu cầu mới, trong đó có xu hướng chuyển đổi xanh (logistics xanh).
Logistics xanh – Áp lực và cơ hội
Thực tế mang lại của dịch vụ logistics là rất lớn, song ngành này cũng có lượng phát thải đáng kể cùng mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa, con số này có thể lên đến 11%.
Bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, với những yếu tố do bất lợi tạo ra, logistics sẽ là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi Xanh. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ tác động đến ngành logistics bởi hai khía cạnh, vừa tạo áp lực và cũng sẽ là cơ hội.
“Áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi Xanh, trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm. Song chuyển đổi Xanh cũng sẽ tạo ra động lực để ngành logistics nói chung và logistics Việt Nam nói riêng phải chuyển đổi để phát triển. Về lâu dài, chuyển đổi Xanh sẽ giúp doanh nghiệp logistics tối ưu hóa quy trình để giảm chi phí, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngành, như các dịch vụ vận tải với lượng carbon thấp hoặc các dịch vụ đóng gói thân thiện với môi trường”, bà Nhung phân tích.
Nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, dự án SuperPort Việt Nam là cảng logistics đa phương thức có diện tích lên đến 83 ha có tổng vốn đầu tư 166 triệu USD được ghi nhận là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN. SuperPort Việt Nam được định vị là trung tâm hậu cần đa phương thức chiến lược, kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc – Đông Nam Á với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
Tiến sĩ Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ở vị trí hành lang kinh tế phía Bắc và là một nút quan trọng trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN, SuperPort Việt Nam được xây dựng nhằm tăng cường hội nhập và thương mại xuyên biên giới trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng liền mạch, nhanh hơn và thông minh hơn khi kết nối 20 khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn, bao gồm Hải Phòng, Nội Bài và kéo dài đến các tỉnh Vân Nam và Côn Minh (Trung Quốc).
“Dự án đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cảng cạn thông quan hàng hóa nội địa, góp phần giảm chi phí, thời gian thông quan, vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm góp phần giảm chi phí đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; đồng thời thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN và các thị trường quốc tế khác, cũng như hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0”, Chủ tịch Trần Duy Đông khẳng định.
Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về logistics xanh
Hiện nay, nhiều công ty logistics trên toàn cầu đang nỗ lực cho mục tiêu Net-Zero và đây là thời điểm tốt nhất, đầy triển vọng cho các doanh nghiệp logistics hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp thông qua hợp tác với các đối tác khác nhau, đồng thời có điều kiện nhận được những ưu đãi từ Chính phủ để thúc đẩy dự án đáp ứng mục tiêu này.
Hưởng ứng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Tiến sỹ Robert Yap, Tổng Giám đốc SuperPort Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã đưa các giải pháp phát triển bền vững tiên tiến vào các hoạt động cốt lõi, khi đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp đang hướng đến việc giảm các chi phí không hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm thời gian từ các bước theo dõi đến bốc dỡ hàng hóa, phân phối, giao hàng số lượng lớn và thậm chí là nền tảng thương mại điện tử để hỗ trợ bán hàng và dịch vụ tốt.
“Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, từ đó củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam trong phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và phát triển bền vững, doanh nghiệp thực hiện một loạt các giải pháp. Trước tiên là đánh giá lượng phát thải hiện tại và sau đó sẽ xem xét cụ thể về cơ sở hạ tầng để giải quyết bài toán về năng lượng với hướng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, pin năng lượng, hydro và đặc biệt là các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng các công nghệ như AI và IoT; lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang sử dụng xe điện cho vận chuyển hàng hóa vào năm 2030. Lượng phát thải còn lại sẽ được bù đắp thông qua việc mua tín chỉ năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon”, Tiến sỹ Robert Yap cho biết.
Để thích ứng với những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội từ xu hướng logistics xanh, logistics Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ từ sự chủ động của doanh nghiệp, sự đồng hành của các hiệp hội, chuyên gia đến những chính sách trợ lực hiệu quả của Nhà nước. Trong đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về logistics xanh, thay đổi tư duy và áp dụng các phương thức chuyển đổi xanh trong các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, qua đó giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc tăng cường các chính sách định hướng, giải pháp trợ lực từ Chính phủ và các cơ quan ban, ngành, địa phương sẽ góp phần đạt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics nói chung và trong việc tận dụng các cơ hội từ xu hướng logistics xanh nói riêng.